Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Thủ khoa loay hoay tìm việc

Tốt nghiệp xuất sắc nhưng nhiều thủ khoa không tìm được việc ưng ý, đành làm nhân viên chăm sóc khách hàng hoặc kinh doanh quần áo.

Tốt nghiệp với số điểm 3,63/4, Nguyễn Thị Tố Uyên (ĐH Công nghiệp Hà Nội) nằm trong số 132 thủ khoa xuất sắc được thành phố Hà Nội vinh danh. Mới nhận bằng tốt nghiệp gần một tuần nhưng Uyên đã đi làm từ tháng 6. Cô hiện là nhân viên chăm sóc khách hàng cho một doanh nghiệp với mức lương hơn 5 triệu đồng mỗi tháng. Trước đó, dù nộp hồ sơ vài nơi nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên cô không được ứng tuyển vị trí kế toán.
DSC-5598-8582-1409028321.jpg
Tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc chuyên ngành kế toán, Tố Uyên đang phải làm trái ngành với công việc chăm sóc khách hàng. Ảnh: NVCC.
Tân thủ khoa có nguyện vọng vào làm cơ quan nhà nước vì môi trường ổn định, lại có thể sắp xếp được thời gian học cao học. Biết được chính sách thu hút thủ khoa của thành phố Hà Nội, Uyên cũng muốn tìm cơ hội nhưng chưa biết cơ quan nào cần tuyển để làm đơn. Dù đạt được nguyện vọng hay không, Uyên cũng dự định thời gian tới tìm việc phù hợp với chuyên ngành kế toán.
"Công việc em đang làm có thể phát huy khả năng giao tiếp, vốn tiếng Anh nhưng kiến thức về kế toán, thực hành kế toán em học trong trường vẫn còn nguyên, không tận dụng được dần sẽ mai một", Uyên chia sẻ.
Dù tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học tầm trung hay có danh tiếng, nhiều thủ khoa ra trường cũng loay hoay tìm việc. Theo Tố Uyên, danh hiệu thủ khoa là kết quả quá trình nỗ lực của bản thân suốt 4 năm học chứ chưa chắc là người giỏi nhất, ra ngoài xã hội tìm việc thì cơ hội được chia đều như các cử nhân khác. Nhà tuyển dụng chỉ quan tâm kết quả công việc chứ không biết bạn là ai. Nhiều khi chính danh hiệu đó tạo áp lực cho thủ khoa nếu không làm tốt việc.
thuy-8866-1409028322.jpg
Công việc nhà nước lương không cao, chưa có nhiều bước đột phá để bản thân sáng tạo và thử sức nhưng Nguyễn Thanh Thủy vẫn muốn thử sức. Ảnh: NVCC.
Sau lễ vinh danh, thủ khoa Nguyễn Thanh Thủy (HV Hành chính quốc gia) đã cất bằng khen và kỷ niệm chương để tiếp tục công cuộc tìm kiếm việc làm và đi học thêm tiếng Anh. Khi còn là sinh viên, cô dành nhiều thời gian tham gia hoạt động đoàn hội; khi thực tập thì chăm chút cho các kỹ năng nhỏ, từ cách in ấn photo, cách sửa lỗi nhỏ ở máy tính… để tránh mang tiếng "cử nhân không đánh nổi văn bản".
Lúc Thành đoàn phát phiếu thăm dò nguyện vọng sau khi ra trường, Thủy nằm trong số 70 thủ khoa muốn vào làm việc ở cơ quan nhà nước, cụ thể là vào làm việc tại Thành đoàn Hà Nội. Theo Thủy, đi làm nhà nước dù lương chỉ đủ chi phí sinh hoạt hiện nay nhưng ổn định, phù hợp với con gái và tân thủ khoa cũng có thời gian học tiếp lên cao học.
Biết nhiều cử nhân ra trường xin vào nhà nước sau đó thì "vỡ mộng", Thủy cho rằng có thể do công việc chưa phù hợp, cơ quan nhà nước chưa có nhiều bước đột phá để các bạn sáng tạo và thử sức, một vấn đề nữa là lương thấp nhưng cô vẫn muốn thử sức.
May mắn hơn nhiều thủ khoa khác, Nguyễn Minh Anh (ĐH Thủy lợi) đang học việc tại một công ty xây dựng. Công việc chính của cậu là bóc tách một phần dự án. Cậu cảm thấy khó khăn vì việc không liên quan đến chuyên ngành được học. Minh Anh đi làm với mục đích thử việc để tăng kinh nghiệm, tăng lợi thế vào hồ sơ khi đi xin việc.
Cậu có ý định xin về trường làm giảng viên hơn là vào các cơ sở, ban ngành nào đó. Công việc dạy học bình lặng, phù hợp hơn với tính cách hướng nội của bản thân.
07-2662-1409028322.jpg
Thủ khoa Nguyễn Minh Anh (ĐH Thủy lợi) đang học việc để tích lũy kinh nghiệm, tìm công việc phù hợp hơn. Ảnh: NVCC.
Theo Minh Anh, việc nhiều thủ khoa cũng như hàng nghìn sinh viên khó tìm việc là điều đương nhiên và sẽ mãi tiếp diễn trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. "Thực tế thủ khoa có thành tích học tập tốt nhất, nhưng chưa hẳn là người năng động nhất. Quỹ thời gian con người có hạn, nếu tham gia nhiều hoạt động thì việc học sẽ bị ảnh hưởng. Những bạn thủ khoa vừa học giỏi, vừa năng động rất hiếm", Minh Anh chia sẻ.
Tốt nghiệp ĐH Hòa Bình với số điểm 9,06/10, thủ khoa Nguyễn Thị Mai muốn trở về xây dựng quê hương nhưng không có cơ hội, biết ở lại Hà Nội khó khăn với tấm bằng đại học dân lập, cô quyết định lên Điện Biên khởi nghiệp bằng công việc buôn bán quần áo. Nhiều thủ khoa của các trường khác như Học viện Báo chí Tuyên truyền, ĐH Thương mại vẫn chưa biết nộp hồ sơ xin việc vào đâu mà lựa chọn đi học thêm ngoại ngữ hoặc học tiếp cao học.
Trong 12 năm qua, thành phố Hà Nội đã vinh danh được 1.335 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học, học viện trên địa bàn. Năm 2014, thành phố vinh danh 132 thủ khoa. Theo kết quả thăm dò của thành đoàn Hà Nội, trong số 132 thủ khoa được vinh danh năm nay, có 70 em muốn vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước, chỉ 15 em muốn đi làm cho các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, còn lại 27 thủ khoa muốn học tiếp trong nước và 26 em muốn đi du học nước ngoài.
Hoàng Phương

Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Vì sao tôi từ chối làm việc cho Google?

Tôi tên là Andre Albuquerque, hiện giữ chức vụ Head of Growth tại Uniplaces. Tôi đã quyết định đầu quân cho một công ty khởi nghiệp (Start-up) thay vì tiếp tục làm việc cho Google.

Sau gần 2 năm thực tập tại Google, trải qua 1 năm tham gia các chương trình huấn luyện ở nhiều văn phòng, 8 tháng thử việc ở trụ sở EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi) và tham gia một dự án đặc biệt ở trụ sở toàn cầu của Google tại Mountain View, California, tôi quyết định không trở thành một nhân viên làm việc full time cho Google. Ít nhất là thời điểm hiện tại.
Google, từ chối, làm việc, công việc, startup, khởi động, học hỏi
Rất nhiều người bạn đã hỏi han, gia đình tôi chắc cũng hoài nghi, nhưng sự lựa chọn của tôi là có lí do. Cũng cần có chút may mắn và liều lĩnh, nhưng đó là điều tất yếu nếu bạn muốn làm việc độc lập.
Tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện của tôi ngay sau đây.
Lựa chọn một Start-up thay vì Google
“Tích cực trau dồi kiến thức cho bản thân”
Tôi sẽ thành thật nói rằng: quyết định này chẳng dễ dàng gì. Rất nhiều yếu tố đã hối thúc tôi tham gia Google, tất cả đều mở ra một viễn cảnh tương lai khá đẹp đẽ. Nhưng mong muốn được học hỏi đã ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng của tôi.
Mọi người khi đề cập vấn đề làm việc cho các công ty mới khởi nghiệp rất hay nói đến chiến lược “học nhanh”,”học nhiều”, nhưng với tôi nó không rõ ràng chút nào. Phải mất 1 năm ở Uniplaces thì tôi mới đúc rút ra một vài kinh nghiệm ở một công ty mới khởi nghiệp.
Học hỏi từ mục tiêu trong tương lai
“Đi tìm tương lai của bạn”
Thật trớ trêu quan điểm đầu tiên của tôi là về các mục tiêu tương lai. Bất cứ sự lựa chọn mang tính chuyên nghiệp nào đều trực tiếp ảnh hưởng tới tương lai của bạn. Có thể nói là các mục tiêu trong tương lai đã giúp tôi xây dựng một công ty riêng cho mình ở lĩnh vực công nghệ.
Tôi bắt đầu bằng việc vạch ra những gì mình cần phải biết để cảm thấy “thoải mái”:
1. Học hỏi về công nghệ: có kiến thức về lập trình, hiểu được các kỹ sư công nghệ thông tin suy nghĩ và giải quyết vấn đề như thế nào, học cách nói chuyện với các developer và cách làm việc với họ.
2. nắm bắt được các thao tác: học cách đánh giá các thao tác, cách tìm giải pháp cho vấn đề cùng với sự lạc quan và cách “hack” để đạt kết quả, tất cả trong môi trường công nghệ.
3. Cách quản lý nhân sự: có các trải nghiệm thực tế về việc quản lý, môi trường thay đổi, những thời khắc hân hoan cũng như bi quan, và đặc biệt là tìm kiếm tài năng.
Mặc dù chỉ là ví dụ vể việc học tập tích lũy ở mảng công nghệ, nhưng nó cũng đã cung cấp kiến thức cơ bản cho bước khởi đầu.
Học hỏi từ những người xung quanh
“Hãy để những con người xuất sắc, luôn điên rồ cố gắng đạt được mục tiêu ở xung quanh bạn”
Tập hợp kiến thức này sẽ đưa bạn đến đỉnh cao của việc học hỏi. Tìm những người sáng lập và lãnh đạo, đó là điều tác động nhiều nhất đến quyết định của tôi.
Việc tìm những nhà sáng lập với nhiều kiến thức và kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau là vô cùng quan trọng:
1. Những người có tầm nhìn và có tầm ảnh hưởng, tạo động lực cho nhóm dựa trên sự nhạy bén của mình, và quan trọng nhất, người có thể điều chỉnh lời nói và mục đích để thành công mà không ảnh hưởng tới văn hóa.
2. Những chuyên gia cho bạn độc quyền thâm nhập và trải nghiệm những kỹ năng chính ở các lĩnh vực quan trọng.
3. Những người có chuyên môn tuyệt vời với những cách giải quyết vấn đề khác nhau, và đặc biệt là, người thúc đẩy bạn vượt qua các trở ngại khi học hỏi những gì quá phức tạp.
Học hỏi những điều mới mẻ
“Hãy làm quen với những gì bạn chưa biết”
Tôi tự tin để nói rằng đây là thời kì học hỏi, cùng một lúc, vừa buồn cười vừa khó chịu . Như mọi người đoán, ở một công ty mới thành lập, còn nhiều việc chưa được giải quyết và không có ai có đủ trình độ để đảm nhận việc đó. Khi công ty cần, và khi bạn buộc phải đối mặt với nó, nó sẽ đẩy quá trình tiếp thu những điều mới mẻ, thị trường mới và kỹ năng mới với tốc độ kinh hoàng.
Tôi để ý thấy mình ngày càng dễ thích nghi hơn mỗi khi phải đối mặt với những điều không ai làm hoặc không có khả năng làm. Khi đã xong công việc thường ngày, tôi còn phải tìm hiểu những thứ mới mẻ khác. Tôi tin đây là việc cần thiết khi bạn gặp trở ngại, và, không chỉ có những người mới bắt đầu thành lập công ty, mà cả những nhà sáng lập thành đạt cũng sẽ sơ ý bỏ qua.
Học hỏi từ sự linh hoạt
“Hãy tự do bay nhảy, vượt qua các giới hạn, nâng cấp chính mình”
Nghe có vẻ giống điều vừa được nêu ở trên, nhưng sự khác biệt chính là lần này bạn chủ động tìm hiểu các lĩnh vực khác, thay vì được yêu cầu làm điều đó.
Mặc dù sự cần thiết phải học hỏi các kỹ năng một cách nhanh chóng đáng được khích lệ, nhưng sự linh hoạt mà một công ty mới thành lập sẽ cho bạn cơ hội làm việc với nhiều người ở nhiều lĩnh vực, để tự nâng cấp bản thân, và hoàn thành mảng công việc của chính mình.
Học hỏi từ sự thích ứng
“Khuyến khích một môi trường linh hoạt”
Các công ty mới khởi nghiệp thường di chuyển và thay đổi rất nhanh. Bạn phải quen với việc bạn bè chuyển đi nơi khác, người mới gia nhập đội, áp lực từ việc tiền trong quỹ cạn kiệt quá nhanh…
Tất cả mọi người, cả đồng nghiệp lẫn sếp của bạn, đều sẽ phải đối mặt với những vấn đề này, và đều đóng vai trò trong đó.
Còn với Google
Google cho bạn một môi trường làm việc tuyệt vời, nuôi dưỡng tính hợp tác, đào sâu suy nghĩ, giải quyết các vấn đề lớn và cực kì nhiều những thử thách mới.
Nhưng tôi tin những kiến thức tôi đang kiếm tìm, những thứ sẽ tạo dựng nên một doanh nhân cừ khôi, sẽ chỉ có được trong một công ty đang khởi nghiệp. Có thể đây sẽ không phải công ty duy nhất tôi gia nhập, hay cái cuối cùng trước khi tôi thành lập công ty của riêng mình, nhưng tôi nghĩ đây là một khởi đầu tuyệt vời.
Theo Infonet

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Đường lên đỉnh Olympia hay đường 'cắm chốt'... Australia?

Ở VN, cải tiến cơ chế trọng dụng nhân tài là việc khó, nhưng có thể bắt đầu từ các doanh nhân. Bởi vì họ có thể đi tiên phong và đủ sức chi trả cho người giỏi nếu hữu dụng.

Sau khi quán quân mùa thứ 14 của Đường lên đỉnh Olympia đăng quang, người ta đã tổng kết 13 nhà vô địch của cuộc thi này đang ở đâu? Hóa ra duy chỉ có một nhà vô địch về nước làm việc, còn lại thì cắm chốt ở... Australia. Đến độ đã có người đề nghị vui là đổi tên cuộc thi thành Đường lên đỉnh... Australia cho tiện.
Nhãn tiền là bài toán chảy máu chất xám, hiền tài của nước nhà một đi... không trở lại. Nhưng nếu trở lại thì sao?
Đầu kéo là đầu nào?
Đó là nan giải đầu tiên khi các du học sinh xuất sắc trở lại Việt Nam. Vì khi được nhận vào làm việc ở bất cứ nơi nào, tình trạng phổ biến là sếp có thể "dưới cơ" của lính. Cho dù sếp giàu kinh nghiệm, giàu quan hệ, nhưng nhiều khi ngoại ngữ yếu, thiếu cập nhật thông tin... nên dễ thủ cựu nhiều hơn đổi mới. Hơn nữa, lượng du học sinh còn ít, nên có khi cả phòng ban chỉ có một hai người vừa đi học về, dẫn đến tình trạng 10 thắng 1, đầu kéo đuôi.
Sau vài năm tắm mình trong không khí  này, dù là vô địch đến mấy cũng sẽ bị gọt tròn xoe. Những gì đã học về chẳng dùng được bao nhiêu mà phải học thêm những thứ nếu không biết sẽ không tài nào tồn tại.
Trong khi đó, một số quốc gia khác, chẳng hạn Hàn Quốc, nơi cho du học sinh đi nước ngoài học rất nhiều, để tránh tình trạng này, trong các tập đoàn lớn họ dùng các cán bộ cấp cao, cấp trung là du học sinh giỏi, có kinh nghiệm làm việc quốc tế. Và họ dùng chính những cái đầu này để kéo theo các đuôi là những nhân viên học trong nước tiến lên. Nhờ cách làm này mà Hàn Quốc ít bị chảy máu chất xám và theo kịp những tiến bộ kỹ thuật hàng đầu. Samsung Electronic chính là ví dụ điển hình.
Đường lên đỉnh Olympia, vô địch, du học, học bổng, thu hút nhân tài, tập đoàn lớn, Hàn Quốc, Samsung, đãi ngộ, lương cơ bản
Đêm chung kết Đường lên đỉnh Olympia 14. Ảnh: Khám phá
Thu nhập và điều kiện làm việc
Tôi có hai người cháu. Một cháu sau khi có bằng thạc sỹ tài chính ở Úc về nước đang chật vật, đang xếp hàng chờ phỏng vấn qua 4 vòng cam go tại 2 trong 4 tập đoàn kiểm toán hàng đầu thế giới có văn phòng ở Việt Nam. Nhưng đáng nói là, nếu đi làm cháu sẽ nhận lương khoảng 10 triệu đồng, tương đương với mức lương trước khi cháu sang Úc tu nghiệp. Trong khi đó, chi phí mà gia đình đầu tư cho một năm thạc sỹ của cháu khoảng 500-600 triệu VND/năm.
Một người cháu khác sau khi có bằng thạc sỹ dược khoa tại Anh thì được ở lại làm việc. Mức lương là khoảng 7.500 USD/ tháng, công ty thuê nhà và hỗ trợ xe hơi miễn phí. Mỗi tháng cháu tiết kiệm gửi về 5.000 USD, bù vào chi phí mẹ cháu bán 2 căn nhà lấy tiền cho đi du học.
Rõ ràng với du học sinh VN, khoảng cách về và ở lại rất xa.
Ở lại có dễ không?
Không phải dễ dàng để các du học sinh trụ lại được xứ người sau khi học xong. Theo một ước tính, chỉ có khoảng 1% trong số này có thể ở lại nước đang theo học (trừ các trường hợp kết hôn hay các trường hợp đặc biệt khác). Muốn ở lại, các du học sinh phải có thành tích học tập xuất sắc, tháo vát, nhanh nhạy và tìm được việc làm.
Mô tả cho rõ hơn để thấy con đường của các em 1% này là cực nhọc đến đâu. Ví dụ, một học sinh Mỹ chỉ cần học đạt GPA là B+ trở lên, thi SAT [1] đạt khoảng 1.600 - 1.700 điểm là "chắc cú" vào đại học công của tiểu bang. Khi đó, các em sẽ chỉ cần chịu mức học phí của học sinh tiểu bang, khoảng 10 - 20 ngàn USD/năm.
Nếu cha mẹ các học sinh này làm trong các công ty Mỹ có chính sách hỗ trợ cho con nhân viên thâm niên, nhân viên tài năng, số tiền này lại giảm xuống một lần nữa. Vì vậy, học sinh Mỹ có năng lực nói chung không cần quá cố gắng cũng có thể đi học đại học "ngon lành". Ra trường, các em cũng sẽ tìm việc dễ dàng và nhận lượng cao hơn so với du học sinh.
Trong khi đó, học sinh VN thường nỗ lực để vào các trường đại học tư để có học bổng cao, trường công thì ít hoặc không có học bổng. Muốn vậy các em phải có điểm Toefl từ 100 điểm trở lên, điểm SAT từ 2.000 trở lên, GPA phải là A trở lên. Nếu không gia đình sẽ phải nộp học phí khoảng 35-50 ngàn USD/năm tùy trường.

Làm sao trọng dụng nhân tài?
Khi ra trường, phải rất giỏi và rất may mắn các em mới xin được việc làm, với mức lương có thể thấp hơn đáng kể. Do đó, nếu học sinh bản xứ cố gắng 1 thì học sinh VN phải cố gắng cả trăm, cả ngàn lần. Nên có thể nói mỗi em ở lại được xứ người trọng dụng phải rất ý chí, can đảm, có khả năng cạnh tranh, là hiền tài của đất nước.
Cựu Thủ tướng Singapore, Lý Quang Diệu từng nói: "Nhân tài được đào luyện chính là chất men làm xã hội chuyển hóa và thăng hoa". Nhờ thu hút nhân tài nước ngoài có trình độ kỹ thuật cao mà Singapore đã gia tăng đáng kể sự phát triển kinh tế.
Còn tại Trung Quốc, các chính quyền như Bắc Kinh và Thượng Hải cam kết nếu người tài đồng ý phục vụ lâu dài thì vợ con sẽ được hưởng dịch vụ y tế suốt đời. Đó là chưa kể nhiều người được cấp xe, cấp nhà, miễn thuế thu nhập và nhiều ưu đãi khác, v.v...
Ở VN, cải tiến cơ chế trọng dụng nhân tài là việc khó, nhưng có thể bắt đầu từ các doanh nhân. Bởi vì họ có thể đi tiên phong và đủ sức chi trả cho người giỏi nếu hữu dụng.
Nhớ lại bài học của CEO Yun Jong Yong khi ông lãnh đạo Samsung Electronic có thể thấy chính sách chiêu hiền đãi sĩ với du học sinh Hàn Quốc có tác dụng lớn thế nào. Năm 1999, lần đầu tiên trong lịch sử Samsung, ban quản trị có các giám đốc nước ngoài. Đồng thời Yun cũng bỏ chi phí thuê 53 thạc sĩ kinh doanh trong nước từng tốt nghiệp MBA tại Mỹ... Nhờ sự "thay máu" này và sau đó là hàng loạt hành động khác mà tập đoàn có bước tiến vượt bậc như ngày nay.
Khi giới doanh nhân VN tích cực săn tìm và trọng đãi hiền tài với hiệu quả cao thì các bộ phận khác trong xã hội có thể chuyển động. Muốn thay đổi thì phải bắt đầu, và phải rất nhẫn nại, bước một sẽ khó nhưng khi làm xong sẽ đến bước hai, bước ba... Khi ấy, chúng ta mới không còn thấy cảnh một đi không trở lại của hiền tài như bây giờ nữa.
Nguyễn Anh Thi

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Giới trẻ Việt: Thích học lý thuyết và dành nhiều thời gian cho mạng xã hội

Khá ít bạn trẻ coi trọng các công việc bổ trợ kỹ năng nghề nghiệp cá nhân sớm khi còn là sinh viên.


Giới trẻ Việt: Thích học lý thuyết và dành nhiều thời gian cho mạng xã hội
Việt Nam đang có cấu trúc dân số vàng và thế hệ Y (sinh vào những năm 1980 đến những năm 1990) đang gia nhập thị trường lao động rất nhanh. Mới đây, Tổ chức AIESEC, hợp tác với Unilever, Nielsen và Adecco, vừa công bố Khảo sát giới trẻ Việt 2014, đối tượng khảo sát chính là thế hệ Y của Việt Nam.

Khảo sát được tiến hành trên 2657 sinh viên/cựu sinh viên (70% tại TPHCM, 20% tại Hà Nội, 8% tại Đà Nẵng) trên 41 trường Đại học tại TP Hồ Chí Minh và 38 trường Đại học tại Hà Nội.


Sau đây là một số kết quả về quan điểm sống, mục tiêu học tập và thói quen của thế hệ Y ở Việt Nam:

Điều quan trọng nhất của sinh viên? (Chọn 3 câu trả lời)

3 vấn đề mà đa số các sinh viên đánh giá quan trọng nhất đối với họ vẫn là việc học tập là Kết quả học tập (67%), Học kỹ năng ngoại ngữ/thể thao (61%), và Tham gia các hoạt động ngoại khóa (46%). Các ưu tiên này có xu hướng giúp sinh viên nâng cao kiến thức và kĩ năng về mặt lý thuyết hơn là thực tế. 

Khá ít sinh viên coi trọng các công việc giúp họ bổ trợ kỹ năng nghề nghiệp cá nhân sớm như: Thực hiện dự án kinh doanh riêng (10%), Có công việc làm thêm (15,7%) hay Đi thực tập tại một công ty (26%).
Giới trẻ Việt: Thích học lý thuyết và dành nhiều thời gian cho mạng xã hội (1)

Thế hệ Y tham gia các câu lạc bộ/tổ chức nào?

Hầu hết các sinh viên được hỏi đều đã từng tham gia CLB/tổ chức về nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó gần 2/3 số sinh viên được hỏi đã tham gia các CLB/tổ chức về hoạt động xã hội hoặc CLB/tổ chức học thuật (kinh doanh/ngoại ngữ).

Tuy vậy, vẫn có gần 17% sinh viên chưa từng tham gia CLB/tổ chức nào.

Giới trẻ Việt: Thích học lý thuyết và dành nhiều thời gian cho mạng xã hội (2)

Sinh viên tìm kiếm thông tin và lời khuyên nghề nghiệp từ đâu?

Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, Internet/Báo chí đang là nguồn được đông đảo giới trẻ sử dụng cho việc tìm thông tin và lời khuyên nghề nghiệp (29%). 

Ngoài ra, sinh viên cũng tìm kiếm lời khuyên nghề nghiệp từ những người đi trước như Người lớn tuổi hơn có kinh nghiệm, Gia đình và Giáo viên của họ.
Giới trẻ Việt: Thích học lý thuyết và dành nhiều thời gian cho mạng xã hội (3)

Thời gian dành cho mạng xã hội mỗi ngày của giới trẻ?

Theo khảo sát thì hầu hết các sinh viên đều có sử dụng mạng xã hội (99,8% người được hỏi); 82% sinh viên được hỏi cho biết thời gian họ dành cho mạng xã hội đang chiếm khoảng 1-5 tiếng mỗi ngày. Gần 10% sinh viên nói rằng đang dành trên 6 tiếng mỗi ngày cho mạng xã hội.
Giới trẻ Việt: Thích học lý thuyết và dành nhiều thời gian cho mạng xã hội (4)

Vấn đề xã hội đáng quan tâm nhất của Việt Nam trong mắt sinh viên? (chọn 3 đáp án)

Giáo dục (56%) và Văn hóa (52%) là 2 vấn đề xã hội được nhiều sinh viên lựa chọn hơn cả cho câu hỏi này. 

Ngoài ra, Sức khỏe - Lối sống, Môi trường, Nghề nghiệp và Đói nghèo cũng là những vấn đề được nhiều bạn trẻ quan tâm (mỗi đáp án có hơn 1/3 số sinh viên chọn).
Giới trẻ Việt: Thích học lý thuyết và dành nhiều thời gian cho mạng xã hội (5)

Hiểu được thế hệ Y sẽ tạo cơ hội cho xã hội, giáo dục và kinh tế có cái nhìn sâu hơn về việc giới trẻ đánh giá như thế nào vào môi trường học tập và làm việc, mong muốn phát triển và cống hiến ở những lĩnh vực nào và những vấn đề xã hội nào. 


Kỳ Anh
Theo Trí Thức Trẻ

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Hé lộ lương “khủng” của người tư vấn dự án ODA tại TP.HCM

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nói chuyện với một kỹ sư Nhật Bản tại buổi lễ khởi công tuyến đường sắt số 1 vào tháng 8/2012
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nói chuyện với một kỹ sư Nhật Bản tại buổi lễ khởi công tuyến đường sắt số 1 vào tháng 8/2012
 
i

Những quản lý người nước ngoài làm công việc tư vấn cho một số dự án ODA tại TP.HCM có thể nhận mức lương lên tới 2,5 triệu Yen Nhật/tháng. Số tiền này tương đương với 500 triệu đồng.


Thông tin trên được ông Hoàng Như Cương – Phó Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đưa ra trong buổi làm việc của cơ quan này với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vào chiều ngày 31/7.

Trước đó, đề cập đến nguy cơ thiếu hụt lao động sau khi phía đối tác chuyển giao công nghệ vận hành tuyến đường sắt đô thị, ông Cương cho biết, đối với tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), sau khi đưa vào hoạt động nhà thầu về cơ điện (Nhật Bản – PV) sẽ chịu trách nhiệm thuê người và bảo dưỡng trong 5 năm.

Sau 5 năm đó nguồn nhân lực bên TP sẽ tiếp cận và chuyển giao kỹ năng. Tuy nhiên từ đó sẽ nảy sinh vấn đề về lương, bởi những người đang làm việc tại đây khi chuyển giao cho công ty Việt Nam quản lý sẽ “đương nhiên lương sẽ bị giảm do đó rất khó khăn trong việc giữ người”.

Cũng liên quan đến việc này, ông Cương chia sẻ. Hiện tại lương của Ban quản lý đường sắt đô thị đã được UBND TP “chiếu cố” được hưởng 2,7 lần so với lương sự nghiệp. Như vậy một kỹ sư sẽ được khoảng 6 triệu/tháng.

“Tuy nhiên nếu so với tiền trả cho tư vấn nước ngoài thì một ông quản lý nước ngoài tối thiểu nhận 2,5 triệu Yen, tương đương với 25.000 USD, còn giám đốc phải trên 30.000 USD. Với các dự án của ADB (Ngân hàng phát triển Châu Á), WB (Ngân hàng thế giới) cũng tương đương như vậy”, ông Cương nói.

Phát biểu về vấn đề này, ông Tất Thành Cang – Phó Chủ tịch UBND TP thừa nhận với mức lương hiện nay “không thể thuê được chuyên gia làm việc trong cơ chế sự nghiệp của chúng ta”. Ông cho rằng TP cần có chế độ đãi ngộ đãi ngộ với trí thức.“Thậm chí là chúng ta lấy chi phí quản lý để thuê những chuyên gia giỏi với mức lương phải cao và tương xứng để người ta làm cho mình trong bao nhiêu năm đó với một số dự án” – ông Cang nói.

Trong khi đó ông Phạm Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: “Chính sách là do mình làm ra chứ có phải ai làm ra đâu, cái gì không phù hợp mình phải tự điều chỉnh. Mức lương này là tự mình trả cho mình”. Sau đó ông Dũng đề nghị Ban quản lý dự án đưa ra những bất cập để đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét.

Giới trẻ Việt: Vào làm vì lương, ra đi vì cơ hội

Lương thưởng phúc lợi được hơn 50% sinh viên được hỏi cho rằng là yếu tố quyết định lựa chọn công ty, nhưng 50% lý do thay đổi công việc lại là các vấn đề về Cơ hội thăng tiến.

Giới trẻ Việt: Vào làm vì lương, ra đi vì cơ hội
Việt Nam đang có cấu trúc dân số vàng và thế hệ Y (sinh vào những năm 1980 đến những năm 1990) đang gia nhập thị trường lao động rất nhanh. Mới đây, Tổ chức AIESEC, hợp tác với Unilever, Nielsen và Adecco, vừa công bố Khảo sát giới trẻ Việt 2014, đối tượng khảo sát chính là thế hệ Y của Việt Nam.

Khảo sát được tiến hành trên 2657 sinh viên/cựu sinh viên (70% tại TPHCM, 20% tại Hà Nội, 8% tại Đà Nẵng) trên 41 trường Đại học tại TP Hồ Chí Minh và 38 trường Đại học tại Hà Nội.

Sau đây là một số kết quả từ Khảo sát giới trẻ Việt 2014:

Kế hoạch sau khi tốt nghiệp đại học là gì?

Gần 1/2 số sinh viên được hỏi cho biết sẽ tìm kiếm công việc sau khi tốt nghiệp ĐH. 1/3 số sinh viên khác trả lời họ muốn học lên cao tại nước ngoài. Có đến 10% sinh viên cho biết họ sẽ nghỉ ngơi, chưa tìm/làm việc ngay hoặc chưa quyết định được.

Giới trẻ Việt: Vào làm vì lương, ra đi vì cơ hội (1)
Kiến thức đại học có đủ để tìm việc làm tốt?

20% số sinh viên đồng tình với ý kiến này. Trong khi đến 44% sinh viên được hỏi không tán thành khi cho rằng kiến thức mà đại học trang bị cho họ sẽ giúp tìm công việc tốt. 

Lượng sinh viên trung lập với câu hỏi lên đến 36%.
Giới trẻ Việt: Vào làm vì lương, ra đi vì cơ hội (2)
Tìm kiếm thông tin và lời khuyên về nghề nghiệp từ đâu?

Hầu hết sinh viên tìm kiếm lời khuyên nghề nghiệp và thông tin từ Internet/Báo chí (29%) và người lớn tuổi hơn có kinh nghiệm (24%). 

Gia đình (13,6%) và các sự kiện hướng nghiệp (11%) cũng là các kênh định hướng nghề nghiệp quan trọng khác đối với tân cử nhân.

Giới trẻ Việt: Vào làm vì lương, ra đi vì cơ hội (3)
Mất bao lâu để tìm được công việc mong muốn sau tốt nghiệp?

Gần 75% số sinh viên được hỏi tự tin sẽ sớm tìm kiếm được công việc mong muốn chỉ dưới 4 tháng sau khi tốt nghiệp, trong đó, 21% cho rằng sẽ tìm được việc làm mong muốn ngay sau khi tốt nghiệp. 

Tuy nhiên, một số lượng không nhỏ (1,4%) sinh viên được hỏi "tự ti" rằng họ sẽ mất hơn 9 tháng sau khi ra trường để tìm được việc làm như ý.

Giới trẻ Việt: Vào làm vì lương, ra đi vì cơ hội (4)

Yếu tố chính tác động đến lựa chọn nghề nghiệp là gì? (Chọn 3 câu trả lời)

3 yếu tố được hầu hết sinh viên cho rằng tác động lớn đến việc lựa chọn nghề nghiệp là Phù hợp với năng lực (86%), Phù hợp với sở thích (80%) và Cơ hội lớn có mức lương cao (75%). 

Giới trẻ Việt: Vào làm vì lương, ra đi vì cơ hội (5)

Yếu tố chính tác động đến lựa chọn công ty là gì? (Chọn 3 câu trả lời)

Môi trường làm việc Lương thưởng phụ cấp là 2 yếu tố được lựa chọn nhiều nhất mà các sinh viên cho rằng có tác động đến lựa chọn công ty của họ.

Ngoài ra Văn hóa và các giá trị của công ty, Cơ hội và chế độ thăng tiến, Cơ hội phát triển đào tạo là những yếu tố đứng hàng thứ 2 trong lựa chọn công ty của sinh viên.
Giới trẻ Việt: Vào làm vì lương, ra đi vì cơ hội (6)

Dự định làm việc cho công ty đầu tiên trong bao lâu?

Có gần 70% sinh viên được hỏi cho rằng sẽ làm việc cho công ty đầu tiên trong khoảng 1-3 năm đầu. Chỉ 13% trả lời sẽ nghỉ làm ở công ty đầu tiên sau chưa đầy 1 năm làm việc.
Giới trẻ Việt: Vào làm vì lương, ra đi vì cơ hội (7)

Yếu tố nào quyết định thay đổi công việc?

Mặc dù Lương thưởng phúc lợi được hơn 50% sinh viên cho rằng là yếu tố quyết định lựa chọn công ty, nhưng 50% lý do thay đổi công việc lại là các vấn đề về Cơ hội thăng tiến (thiếu phát triển và thăng tiến nghề nghiệp/có được cơ hội tốt hơn ở công ty khác) và 18,5% nghỉ việc vì Không hài lòng với Hệ thống quản lý (mâu thuẫn với quản lý).
Giới trẻ Việt: Vào làm vì lương, ra đi vì cơ hội (8)

Hiểu được thế hệ Y sẽ tạo cơ hội cho xã hội, giáo dục và kinh tế có cái nhìn sâu hơn về việc giới trẻ đánh giá như thế nào vào môi trường học tập và làm việc, mong muốn phát triển và cống hiến ở những lĩnh vực nào và những vấn đề xã hội nào.